Friday, January 13, 2012

Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm

Động thái sa thải tài xế “rút ruột” và pha xăng dỏm của đơn vị quản lý vẫn chưa làm hài lòng dư luận. Bởi trách nhiệm của các tổng công ty đầu mối xăng dầu cũng như các cây xăng đại lý vẫn còn bỏ ngỏ.



Có sự tiếp tay của cây xăng
Từ loạt bài Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm trên Thanh Niên đã đặt ra hàng loạt câu hỏi cho cơ quan chức năng về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường xăng dầu... Đài truyền hình VN tổ chức chương trình đối thoại mang chủ đề “Làm sao để quản lý chất lượng xăng dầu?”, được truyền hình trực tiếp trên VTV9, lúc 9 giờ ngày 14.1. Đây là cơ hội để khán giả và bạn đọc đối thoại, chất vấn trực tiếp cơ quan quản lý xung quanh các vấn đề này. (H.S)
Ông Trần Văn Xiêm, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (QLCLSPHH) miền Nam (thuộc Cục QLCLSPHH), cho biết tình trạng “rút ruột” và pha xăng mà Báo Thanh Niên vừa nêu đã được chi cục nhận thấy và cảnh báo cho các tổng công ty đầu mối xăng dầu từ trước. Cụ thể, năm 2010, kết quả kiểm tra cho thấy có mẫu xăng trên thị trường TP.HCM không đạt chất lượng, trong đó có mẫu của cây xăng thuộc các tổng công ty đầu mối. Các địa phương càng xa thì cơ hội gian lận xăng dầu càng lớn, tỷ lệ mẫu xăng không đạt chất lượng càng cao.
Theo nhận định của ông Xiêm, có khả năng một số cây xăng “bắt tay” với người vận chuyển để “ăn” xăng, móc túi người tiêu dùng. Để “rút ruột” thường xuyên và quy mô thì không thể một mình tài xế làm được, mà phải có sự phối hợp, cấu kết, thông đồng với nhau giữa các khâu trong quy trình tiêu thụ xăng dầu. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô VN, cũng khẳng định không thể chỉ quy trách nhiệm cho tài xế và doanh nghiệp (DN) vận tải như cách các tổng công ty đầu mối xăng dầu - nhất là Petrolimex - vừa làm. “Không thể nói rằng “xăng dầu ra khỏi kho là chúng tôi không còn chịu trách nhiệm”, mà Petrolimex phải theo dõi, quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng xăng dầu cho đến khi đến người tiêu dùng. Nhất là khi các công đoạn đều do các đơn vị trực thuộc Petrolimex thực hiện, từ xe vận chuyển đến cây xăng đều nằm trong hệ thống phân phối của Petrolimex thì với tư cách tổng quản lý, Petrolimex không thể nói mình không biết được. Tương tự, các cây xăng cũng không vô can. Một biểu hiện dễ thấy là tại sao các niêm chì, niêm nhựa đã bị tài xế cắt ra và quấn lại tạm bợ mà nhân viên kiểm hàng của cây xăng vẫn không nhận ra, hay họ cố tình không nhận ra? Có sự “bắt tay” nào hay không? Đó là điều mà các cơ quan chức năng cần làm rõ”, ông Hùng nói.

Nhân viên Petrolimex rút ruột và pha xăng - Ảnh: Phương Thanh - Trần Hơn
“Quả bom lửa” di động
Ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, nhận xét hoạt động vận chuyển xăng dầu bằng xe bồn thời gian qua đã bị buông lỏng. Các xe này vốn là nguồn nguy hiểm cao độ, chưa kể còn chuyên chở mặt hàng xăng dầu có nguy cơ cháy nổ cao. Xe chở xăng dầu, vì thế, không khác nào một “quả bom lửa” di động. Tuy nhiên, trong khi các loại xe vận tải khác như xe khách, xe tải, container, thậm chí taxi đều phải lắp hộp đen (GPS) để giám sát hành trình, thì hoạt động xe bồn lại chủ yếu phó thác cho tài xế. Tài xế chạy đường nào, ghé vào đâu, phóng nhanh vượt ẩu kiểu gì, đơn vị quản lý cũng không hề hay biết(?!). Nếu lắp hộp đen kiểm soát, sẽ không có chuyện các tài xế xe bồn ngang nhiên tạt vào các “điểm pha chế” như vừa qua.

Nhân viên cây xăng kiểm tra qua loa khi nhận hàng - Ảnh: Phương Thanh - Trần Hơn
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng cần phải siết chặt quy trình kiểm soát an toàn chất lượng xăng dầu, nhất là công đoạn chuyên chở. Thay vì chỉ kiểm tra số lượng, cơ quan quản lý và các đại lý bán lẻ cần kiểm tra chặt chẽ về chất lượng xăng dầu. Không chỉ kiểm tra chất lượng khi xuất kho, mà đến khi giao hàng cũng phải kiểm tra lại, bởi không ai có thể chắc chắn là không có sự tác động nào vào xăng dầu trong suốt quá trình vận chuyển dọc đường.
Dùng xảo thuật để đánh lừa cơ quan chức năng?
Chiều qua 12.1, ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm tiêu chuẩn -đo lường - chất lượng khu vực 3 (trung tâm 3), cho hay đã có kết quả kiểm nghiệm mẫu xăng lấy từ cây xăng mà Báo Thanh Niên đăng tải trong bài viết Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm do Chi cục Quản lý hàng hóa miền Nam gửi. Kết quả, mẫu xăng đạt yêu cầu, không có dấu hiệu bất thường.
Theo một chuyên gia của trung tâm, kết quả trên khiến những người trực tiếp xử lý mẫu đều bất ngờ. Chuyên gia này nghi ngờ khả năng cây xăng đã dùng "xảo thuật" để đánh lừa cơ quan chức năng. Bởi tại các cây xăng, bồn chứa thường được thiết kế có nhiều vách ngăn khác nhau dùng để chứa xăng dỏm và xăng xịn. Thậm chí, ngay một cây xăng cũng có cột bơm xăng dỏm, cột bơm xăng xịn. Nhân viên các cây xăng thường rất cảnh giác với những người mua xăng bằng can, nhất là can chuyên dùng nên xăng sẽ được bơm từ ngăn có chứa xăng đạt chất lượng. Còn nếu bơm vào xe thì bơm xăng dỏm. Có thể trong trường hợp này, mẫu xăng lấy là mẫu xăng lấy từ ngăn chứa xăng xịn. Do nghi ngờ kết quả phân tích nên Trung tâm 3 tiếp tục gửi mẫu xăng này sang một đơn vị khác để kiểm tra. Chậm nhất ngày 14.1 sẽ có kết quả.
T.Hằng
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú: Lái xe pha xăng thì công an xử lý
“Nếu đầu mối sai phạm, tổ chức nhập một lô xăng về pha bán cho đại lý, thì tùy mức độ pháp luật xử lý. Nếu lái xe xăng tự pha thì công an xử lý”.
Ông Võ Văn Quyền, Cục phó Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương: Bảo anh đầu mối vô can là không đúng
Về nguyên tắc, doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm khi xảy ra vụ việc này. Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, Nghị định 84 cũng quy định trách nhiệm thương nhân đầu mối với hàng hóa, trong đó có chất lượng trong hệ thống của mình. Bảo anh đầu mối vô can trước vụ việc là không đúng, trách nhiệm đến đâu tùy thuộc vào vụ việc và chứng cứ của vụ việc.
Ông Trần Minh Dũng - Chánh thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ: Petrolimex phải chịu trách nhiệm
Với những hành vi “ăn cắp” xăng, pha chế xăng trắng trợn như Thanh Niên nêu, trách nhiệm chính thuộc về DN quản lý đầu mối, cụ thể các DN nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là Petrolimex. Về nguyên tắc, các DN khi pha chế phụ gia phải đăng ký với Bộ KH-CN. Tuy nhiên, trừ xăng E5 ra, từ trước đến nay chưa có DN nào đăng ký.
Ông Nguyễn Anh Đức - Viện phó Viện Dầu khí: Những chất pha vào xăng khiến ăn mòn động cơ và dễ gây cháy nổ
Có nhiều chất có thể pha vào xăng như methanol, ethanol, acetone, methyl acetate, ethyl acetate, condensat, naphtha, ete dầu hỏa... Trong đó, rẻ nhất là methanol, trong suốt nên khi pha vào màu của xăng chỉ nhạt đi, rất khó phát hiện. Trong vụ việc rút ruột và pha trộn xăng được Thanh Niên phản ánh, tài xế đã pha 2 chất, một chất số lượng ít và một chất số lượng nhiều. Chất pha số lượng ít có thể là chất chống tách lớp (chất đơn giản nhất có thể sử dụng là MTPE - giá không đắt) nhằm giúp xăng và methanol hòa vào nhau, tránh tách lớp. Nguy hiểm ở chỗ chất chống tách lớp về lâu dài sẽ gây ăn mòn động cơ xe máy, ô tô. Do methanol dễ bay hơi hơn xăng, nên hàm lượng methanol trong không khí cao, chỉ cần có nguồn nhiệt sẽ gây cháy. Thêm nữa, chỉ số octan của methanol rất cao, nên khi pha vào xăng khó phát hiện.
Thu Hằng - Mai Hà(ghi)
Phương Thanh - Trần Hơn - Hoàng Việt (Thanhnien Online)

Thursday, December 15, 2011

21 xe buýt 'sạch' chính thức lăn bánh ở Sài Gòn

Theo cơ quan chuyên môn, xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên CNG vừa tiết kiệm được nhiên liệu vừa thân thiện với môi trường. Ảnh: Hữu Công.
Sáng 26/8, sau gần 3 năm nghiên cứu và thí điểm, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cùng công ty Saigonbus đã khai trương tuyến xe buýt xanh (sử dụng khí nén thiên nhiên CNG) đầu tiên tại Việt Nam.

Tuyến xe buýt "sạch" đầu tiên mang mã số 01, chạy tuyến Chợ Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn với 21 xe. Đây là những chiếc xe mới 100% được nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Xe buýt mã số 01 có lộ trình hoạt động dài gần 9 km. Chuyến đầu tiên xuất bến lúc 5h sáng và chuyến cuối lúc 20h30. Dự kiến tuyến xe buýt sạch sẽ phục vụ 12.000 lượt hành khách mỗi ngày với giá vé 4.000 đồng.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, thời gian hoạt động thử nghiệm xe buýt chạy bằng khí CNG cho thấy, xe có rất nhiều ưu điểm, như: động cơ vận hành êm, các khí thải độc hại giảm từ 53-63%, khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm 20%, không có bụi và khói đen, nhiên liệu được đốt cháy triệt để và đặc biệt là tiết kiệm 30-40% nhiên liệu.

Ghế ngồi của hành khách bên trong xe buýt "sạch" rất rộng rãi và sạch sẻ. Ảnh: Hữu Công.

Toàn bộ 21 xe buýt mới đều được trang bị hệ thống định vị toàn cầu GPS, 3 camera quan sát, thiết bị bán vé tự động có máy in vé, báo trạm tự động...

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết Liên hiệp HTX xe buýt TP HCM sẽ đầu tư thêm 29 xe sử dụng khí CNG. Dự kiến đến cuối năm, toàn bộ 50 xe này sẽ đồng loạt hoạt động.

Trước đó, ngày 24/8, tuyến xe buýt nhanh dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt cũng được đưa vào khai thác nhằm giảm ùn tắc giao thông cho nội ô TP HCM.

VNExpress

Hệ thống định vị Nga phủ sóng toàn cầu



Quá trình lắp đặt hệ thống định vị toàn cầu của Nga đã hoàn thành và giờ đây nó có thể xác định vị trí trên toàn thế giới.

Ông Vladimir Popvkin, giám đốc Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga, thông báo tiến độ lắp đặt hệ thống định vị toàn cầu mang tên Glonass trước hạ viện Nga vào ngày 7/10. Popvkin khẳng định quá trình lắp đặt Glonass đã hoàn tất với 24 vệ tinh và nó sẽ nhận thêm 6 vệ tinh nữa trong 4 năm tới.

Hệ thống vệ tinh định vị Glonass được Nga phát triển từ những năm 80 của thế kỷ 20 nhằm cạnh tranh với Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ và trong tương lai sẽ cạnh tranh với hệ thống Galileo của châu Âu.

Đài phát thanh The voice of Russia cho hay, hiện tại Glonass có thể định vị mọi vị trí trên trái đất với sai số tối đa 5 m. Sai số này sẽ giảm xuống mức 1 m vào năm 2015.

Giới khoa học dự báo định vị toàn cầu qua vệ tinh sẽ sớm trở thành một phận trong cơ sở hạ tầng của các nước phát triển trong tương lai rất gần. Vì thế Nga muốn nhanh chóng chiếm thị phần định vị toàn cầu trong thời gian tới. Hiện tại GPS là hệ thống định vị toàn cầu duy nhất đã được lắp đặt hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hệ thống định vị của Mỹ có một số khiếm khuyết, như không hoạt động tốt ở nhiều vùng thuộc bán cầu bắc và không thể định vị ở Bắc Cực. Do 45% diện tích lãnh thổ Nga thuộc Bắc Cực, hệ thống Glonass có vai trò vô cùng quan trọng đối với Nga.

Nhiều quốc gia coi Glonass là sự thay thế hoàn hảo của GPS. Belarus, Ấn Độ, Kazakhstan và Canada đã ký thỏa thuận sử dụng Glonass. Liên minh châu Âu đang soạn thảo một thỏa thuận về Glonass với Nga. Các nước châu Mỹ Latinh và Ảrập cũng thể hiện sự quan tâm. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng GPS và Glonass không phải là đối thủ, mà sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Trong vài năm tới, một khách hàng có thể sử dụng hai hệ thống định vị cùng lúc.

VNExpress

Số VIN của ôtô (số khung xe) - Những điều cần biết



Gần đây, khi thu hồi xe trở thành đề tài nóng hổi trên khắp các thị trường, số VIN (Vehicle Identification Number) là điều nhiều người sử dụng ô tô quan tâm khi muốn xác định xem xe của mình có thuộc diện bị thu hồi.


VIN là chương trình do Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) khởi xướng vào năm 1980 như một cách để tiêu chuẩn hoá số series của ô tô. Những xe sản xuất trước năm 1981 không theo tiêu chuẩn quốc tế này, nên cần có thông tin của nhà sản xuất để giải mã. Tại sao số VIN có giá trị? Vì nó được ISO tạo ra để tất cả mọi chiếc xe đều có nhận dạng riêng, không thể nhầm lẫn với xe khác. 

Vì hoàn toàn có khả năng hai chiếc xe có cùng nhà sản xuất, cùng nơi sản xuất, cùng chủng loại, sử dụng cùng kiểu động cơ và các trang thiết bị, nên cần có số VIN, được tạo thành từ số seri của nhà sản xuất - số thứ tự sản xuất chiếc xe - để phân biệt chúng.

Số VIN khá phức tạp. Chúng chứa đựng nhiều thông tin - nơi sản xuất, model, loại xe, năm sản xuất, thiết kế thân xe, hệ thống an toàn... - chỉ trong 17 chữ số và chữ cái. Do đó, đọc số VIN không đơn giản mà cần có những kiến thức nhất định.


Hải quan có thể dùng GPS để chống buôn lậu

Ảnh: Tạp chí tài chính

Đề án dùng dịch vụ định vị vệ tinh (GPS) để giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu đang được Tổng cục Hải quan xây dựng và dự kiến áp dụng trong thời gian tới.

Cuối tuần qua, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan có văn bản gửi Công ty cổ phần Nam Hải đề nghị phối hợp cùng xây dựng hệ thống định vị vệ tinh để giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cơ quan này cho hay, Tổng cục Hải quan đang có chủ trương triển khai ứng dụng dịch vụ định vị vệ tinh GPS trong quản lý, giám sát hàng hóa vận chuyển bằng container trên mọi tuyến đường. Hải quan đến nghị phía Nam Hải phối hợp đưa ra các giải pháp kỹ thuật, gồm xây dựng thiết bị định vị GPS, hệ thống máy chủ, cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo truyền và xử lý dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý.

Bên cạnh đó, hải quan cũng yêu cầu phía Nam Hải xác định được vị trí và tốc độ hiện tại, giám sát lộ trình, vận tốc, hướng di chuyển ngay trên nền bản đồ số chi tiết toàn Việt Nam qua máy tính. Đồng thời thống kê số quãng đường xe di chuyển, cảnh báo khi xe dừng đỗ quá thời gian cho phép.

Ngoài ra, hệ thống định vị này cũng đáp ứng được yêu cầu có thể cảnh báo khi xe đi sai lộ trình cho máy chủ quản lý và một số điện thoại đã được đăng lý. Bên cạnh đó, thiết bị cũng theo dõi và mô phỏng được lộ trình di chuyển của xe, lưu trữ các thông tin trên máy vi tính và có thể xem lại khi cần.

VNExpress


Rút Ruột Container



Chỉ trên đường vận chuyển từ cơ sở sản xuất ra cảng, một lượng hàng hóa trị giá lớn đã bị rút ruột.

Nạn ăn trộm hàng xuất khẩu trong các container không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp (DN) mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín xuất khẩu của VN.

Bẽ mặt với đối tác


"Cứ 10 lô hàng thì có tới 5 - 6 lô bị rút ruột, nhưng các DN vẫn phải chịu đựng vì không biết kêu ai"
Lãnh đạo một doanh nghiệp
Tình trạng hàng hóa bị rút ruột trên đường vận chuyển từ cơ sở chế biến ra cảng đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Ngay từ năm 2007, rất nhiều DN đã phát hiện hàng hóa của mình giao cho khách hàng bị thiếu hụt, mất mát trên đường đi. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ hàng hóa sau khi đã đóng vào container việc mất trộm vẫn liên tiếp diễn ra, thách thức pháp luật và gây bất an trong cộng đồng DN xuất khẩu. Đặc biệt năm nay, do nhu cầu tiêu thụ và giá trị xuất khẩu tăng cao, nạn trộm cắp hàng hóa trong container trên đường vận chuyển lại bùng phát dữ dội hơn. Đại diện Công ty D.N.F (Đồng Nai) bức xúc kể: “Tháng 6 vừa qua, chúng tôi xuất khẩu 700 thùng điều nhân sang Ấn Độ. Hàng qua đến nơi vào đầu tháng 8 thì đối tác gửi văn bản, hình ảnh sang khiếu nại vì container bị mất gần 600 thùng hàng, thiệt hại hơn 102.000 USD. Đáng nói là niêm phong trên container vẫn còn nguyên, do đó hàng qua đến bên kia mới phát hiện được”. Trước đó, Công ty cổ phần L.S cũng bị rút ruột một lượng hàng lớn nhưng đến nay vẫn chưa bắt được thủ phạm dù bằng chứng rất rõ ràng. Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty L.S, trình bày: “Khoảng cuối năm 2010 chúng tôi xuất khẩu 2 container điều nhân sang Thái Lan. Qua đến nơi thì phát hiện hàng hóa đã không cánh mà bay, trong khi chì niêm phong vẫn còn nguyên. Do đơn vị vận tải thực hiện hợp đồng vận chuyển có sử dụng hệ thống định vị toàn cầu nên đã kiểm tra được chiếc xe chở container này dừng lại một thời gian khá lâu trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn gần ngã tư Ga, quận 12 (TP.HCM) nên nghi ngờ đây là lúc tài xế thực hiện hành vi trộm cắp. Tuy nhiên, khi chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng điều tra thì phát hiện tài xế này đã xin nghỉ việc và hồ sơ xin việc còn lưu giữ của người này hoàn toàn là giả mạo, do đó đến nay vẫn không truy bắt được thủ phạm. Để giữ uy tín cho công ty, chúng tôi đã cắn răng bồi thường thiệt hại cho khách hàng gần 135.000 USD”.
Theo thống kê của Hiệp hội Điều VN (VINACAS), tổng thiệt hại từ các vụ “rút ruột” hàng hóa trong container từ năm 2007 đến nay đã lên đến gần 2 triệu USD. Đây mới chỉ là các vụ mất hàng được DN trình báo, còn những vụ mất hàng với số lượng nhỏ hơn thì xảy ra liên tục nhưng DN sợ ảnh hưởng uy tín nên không làm lớn chuyện. Không chỉ riêng mặt hàng điều, thời gian qua tình trạng trộm cắp hàng container xảy ra ở rất nhiều DN cao su, thủy sản, cà phê. Thậm chí, theo ông Nguyễn Đức Thanh - Phó chủ tịch VINACAS, hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu về cũng bị rút ruột.

 50% lô hàng bị rút ruột 


Doanh nghiệp không nên tiếp tay
Một điều đáng nói là rất nhiều DN vì tham rẻ nên đã mua lại và tiêu thụ hàng hóa trộm cắp hoặc không rõ nguồn gốc. Thực tế với số lượng lớn hàng hóa bị rút ruột, kẻ trộm không thể tiêu thụ ngay và mang đi xa được mà chỉ có thể bán lại cho chính các DN trong ngành. Nếu DN nào cũng tự giác và có ý thức trình báo thì nạn trộm cắp hàng hóa xuất khẩu, do không có tiêu thụ nên chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều.

Việc lần ra tung tích của kẻ trộm cùng với số hàng hóa đã nhanh chóng bị tẩu tán hết sức khó khăn. Gần đây đã có một số vụ trộm đã bị cơ quan chức năng triệt phá, tuy nhiên con số này chỉ giống như bề nổi của tảng băng, trong khi các vụ rút ruột diễn ra thường xuyên. Lãnh đạo một công ty cao su tại miền Trung cho biết: “Cứ 10 lô hàng thì có tới 5- 6 lô bị rút ruột, nhưng các DN vẫn phải chịu đựng vì không biết kêu ai. Hơn nữa, nếu làm to chuyện thì ảnh hưởng đến tên tuổi của công ty, nên đành im lặng”. Biện pháp khả thi duy nhất của các DN là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chủ động bảo vệ container hàng hóa đến tận cảng xuất khẩu. Mới đây, VINACAS đã có văn bản khuyến cáo các hội viên thực hiện các biện pháp phòng vệ như: thuê người áp tải container từ nhà máy ra đến cảng, chụp ảnh, quay phim liên tục trong quá trình đóng hàng; ký hợp đồng vận chuyển với các đơn vị uy tín đồng thời có cam kết bồi thường về việc mất hàng. Về phía cơ quan công an, VINACAS cũng đề nghị các lực lượng tuần tra giao thông với quyền hạn của mình nên tích cực kiểm tra các hành vi nghi ngờ trộm cắp hàng hóa trong container trên đường vận chuyển.
Hiệp hội Cao su VN cũng lên tiếng cảnh báo: “Gần đây, nhiều vụ mất hàng cao su xuất khẩu liên tục xảy ra trong quá trình vận chuyển từ bãi đóng hàng tại cảng xuất đến bãi nhận hàng tại cảng nhập dù niêm phong chì vẫn nguyên vẹn. Sự việc này cho thấy việc rút ruột container đã trở nên tinh vi, phức tạp hơn và làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhiều đơn vị liên quan trong xuất khẩu hàng VN, không chỉ gây thiệt hại cho DN xuất khẩu mà còn làm giảm uy tín của các đơn vị giao nhận vận tải hàng xuất khẩu. Hiệp hội Cao su VN đã trình báo vụ việc trên với các cơ quan chức năng để kịp thời điều tra và có giải pháp ngăn chặn. Đồng thời, hiệp hội cũng thông báo đến các hội viên, doanh nghiệp khác để cảnh giác đề phòng. Trước mắt, hiệp hội khuyến cáo các hội viên, DN cần yêu cầu khách hàng khi nhận hàng tại cảng/địa điểm đến cần có sự hiện diện của đơn vị giám định để kiểm đếm lượng hàng nhập nhằm có cơ sở đền bù khi có thiếu hụt và phát hiện đường dây đánh cắp hàng. Nhà xuất khẩu cần tìm những đơn vị giao nhận vận tải và bảo hiểm hàng hóa có uy tín để chịu trách nhiệm từ khi nhận hàng đến khi giao hàng, nhanh chóng giải quyết các thiệt hại xảy ra.
Quang Thuần (Thanh Niên)

Monday, July 25, 2011

Vai Trò Của "Quản Lý Đội Xe" Trong Doanh Nghiệp

Cũng như các thành phần khác trong kinh doanh, đội xe của một doanh nghiệp cũng cần được quản lý toàn diện bao gồm việc bảo trì, giám sát xe, giám sát nhiên liệu, quản lý tài xế để đảm bảo sự an toàn cho tài xế và xe.



Quản Lý Đội Xe làm giảm đến mức tối thiểu những rủi ro về đầu tư cũng như quá trình vận hành xe, tăng năng suất và quan trọng là bảo đảm chi phí tổng thể cho quá trình vận chuyển luôn giữ ở múc tối thiểu. Hiện nay các doanh nghiệp có 2 giải pháp để Quản Lý Đội Xe xây dựng bộ phận chuyên về Quản Lý Đội Xe hoặc thuê một nhà cung cấp dịch vụ Quản Lý Đội Xe.